Trend Kpop: Sao Hàn mở công ty chỉ để quản lý hoạt động solo

Đây là một sự phát triển ngược ngạo ở làng giải trí Hàn Quốc khi thế giới hướng tới những lò đào tạo quy mô lớn, thì sao Hàn đã thành danh lại có xu hướng tự mở công ty nhỏ. Vì sao ngày càng nhiều ngôi sao làng giải trí Hàn lựa chọn thành lập công ty quản lý riêng?

Jennie mở công ty quản lý riêng Odd Atelier

Jennie là một trong những ngôi sao Hàn chọn mở công ty riêng để quản lý lịch trình cá nhân. Ảnh: Instagram @oddatelier

Làng giải trí Hàn Quốc bị thống trị bởi những công ty quản lý quy mô lớn, mà có sức ảnh hưởng nhất là nhóm Big 3 gồm SM, YG, JYP và về sau trở thành Big 4 khi có thêm HYBE gia nhập. Luật bất thành văn rằng những ngôi sao thuộc sự quản lý của các công ty này sẽ nhận được nhiều ưu ái và nâng đỡ hơn so với những ngôi sao từ các công ty nhỏ.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều những ngôi sao Hàn Quốc không chọn tái ký với “ông chủ cũ” mà dứt áo ra đi để tìm đến những công ty nhỏ hay thậm chí tự thành lập công ty riêng. Lý do vì đâu?

Tầm quan trọng của công ty quản lý đối với ngôi sao

4 công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc

BIG 4 của làng giải trí Hàn Quốc. Ảnh: allkpop

Trong truyền thống, để kích phát sự nghiệp, những người trẻ tuổi sẽ đăng ký làm thực tập sinh trong các công ty quản lý chuyên nghiệp. Trong quá trình đào tạo, chỉ những thực tập sinh xuất sắc nhất mới được chọn để ra mắt (debut).

Với kinh nghiệm dày dặn, công ty có thể “nhào nặn” nên những ngôi sao sáng khi tìm ra điểm đặc biệt của họ. Ví dụ, Rosé được yêu cầu thay đổi cách hát để tạo ra màu giọng lạ. Jisoo được đề nghị debut như một thần tượng âm nhạc thay vì diễn viên, dù điện ảnh mới là nguyện vọng của cô, vì YG cho rằng cô sẽ mau nổi tiếng khi theo đường âm nhạc. Hay Moonbyul của nhóm MAMAMOO vốn dĩ là một ca sỹ nhưng sau đó debut như một rapper – vai trò bây giờ mang lại tiếng vang cho cô.

aespa tiêu tốn 3,7 triệu đô-la Mỹ của SM Entertainment trong giai đoạn trước debut. Một phần lớn kinh phí dành cho việc xây dựng cho avatar ảo của nhóm. Ảnh: SM Entertainment

Phải là công ty lớn mới có sẵn ngân sách để đào tạo ra nhóm nhạc thành công. Kinh phí bao gồm chi trả cho các lớp học luyện thanh, nhảy, ngoại ngữ; thuê đội ngũ nghệ sỹ kiến tạo phong cách thời trang và làm đẹp, manager cho các thành viên; cùng chi phí sản xuất nhạc. Ước tính, một công ty quản lý phải mất trung bình 1 triệu đô-la Mỹ trong quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, gia nhập một công ty lớn mang lại cho những thần tượng cơ hội học tập quý giá và giúp họ trưởng thành nhanh chóng. Lứa thần tượng đi trước sẽ truyền dạy kinh nghiệm cho đàn em, từ đó đào tạo ra lứa nghệ sỹ kế thừa ngày càng giỏi giang.

BABYMONSTER từ trước khi chính thức debut đã có MV triệu view. Ảnh: YG Entertainment

Do lò đào tạo được xây dựng với lộ trình bài bản, có công thức xây dựng thần tượng, có nguồn lực hỗ trợ về mặt kinh tế và quảng bá, các nhóm nhạc có xuất phát điểm từ các công ty quản lý lớn khi debut dễ dàng mau chóng nổi bật.

Ngược lại, các nghệ sỹ cũng chịu nhiều ràng buộc và quản thúc về cả mặt tài chính lẫn tự do trong sáng tạo. Vì lẽ này, tại Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện xu hướng nghệ sỹ không tái ký với agency cũ một khi hợp đồng độc quyền hết hạn, mà tự mở công ty riêng để được quyền tự do hoạt động.

Theo xu hướng toàn cầu hóa, các nghệ sỹ Kpop chọn thành lập công ty để quản lý lịch trình riêng

Thành công của BoA trong thập niên 2000 giúp SM vững mạnh. Ảnh: BoA Official

Mô hình xây dựng công ty quản lý cỡ đại này xuất phát từ Nhật Bản, nơi vào năm 1962, Johnny Kitagawa đã lập nên công ty Johnny & Associates mà vẫn còn hoạt động ngày nay. Trong thập niên 1990, Big 3 của Hàn Quốc là SM, YG và JYP cũng lần lượt thành lập vào năm 1995, 1996 và 1997.

Đến nay, hai quốc gia này vẫn chuộng mô hình công ty quản lý cỡ đại. Dù làng giải trí có nhiều đơn vị manh nha khởi nghiệp, đích đến chung của đa số là chọn mô hình mua bán và sáp nhập để tăng cường lượng ngôi sao mà mình quản lý. HYBE là ví dụ nổi tiếng nhất. Sau khi gia nhập hội BIG 4 nhờ thành công của BTS, HYBE mau chóng mua lại các công ty nhỏ như Pledis và Belift Lab.

Trong khi đó, ở các quốc gia châu Á khác, cũng như châu Âu và châu Mỹ, thì các ngôi sao ca nhạc chủ yếu hoạt động đơn lẻ, có quản lý riêng thay vì gia nhập một tổ chức lớn.

The First Management tại Việt Nam “khai trương” với dàn lineup 10 nghệ sỹ, trở thành một trong những công ty quản lý nghệ sỹ quy mô lớn hơn ở thị trường Việt

Về sau, học theo sự thành công của Kpop, các quốc gia khác phải suy nghĩ về việc thành lập lò đào tạo chuyên nghiệp quy mô lớn như Hàn Quốc.

Tại Trung Quốc, Yuehua ra đời vào 2009 và Banana Culture vào năm 2015 đã đạt được những thành tựu đáng kể. Việt Nam có 6th Sense Entertainment thành lập từ 2012, SpaceSpeakers chuyên thị trường Hip Hop, hay gần đây hơn thì có The First Management quản lý Chi Pu, Trang Pháp, JayKii, Hoàng Oanh…

Anh trai Jisoo mở công ty quản lý nghệ sỹ riêng cho các hoạt động của cô.

Ngược lại với sự manh nha ra đời của các công ty quản lý quy mô lớn ở thị trường nước ngoài, ngay tại Hàn Quốc lại diễn ra làn sóng nghệ sỹ tự mở công ty riêng, theo đuổi tự do trong con đường làm nghề. Khi tiếp xúc với nghệ sỹ từ các quốc gia khác, nhiều ngôi sao Hàn Quốc ước ao có thể tự do trong việc lựa chọn các hợp đồng quảng cáo, đặt ra hình ảnh cá nhân, đi tìm con đường sự nghiệp của riêng họ mà không lo lắng về việc cấm cản hoặc chèn ép lương, thưởng.

Tính từ đầu năm 2023 đến tháng 2/2024, K-pop đã đón nhận ít nhất là 10 công ty tư nhân được thành lập bởi các nghệ sĩ hàng đầu Hàn Quốc. Không chỉ thần tượng ca nhạc mà ngay cả các diễn viên cũng theo đuổi ý định mở công ty riêng.

Baekhyun mở công ty quản lý hoạt động của sub-unit EXO-CBX gồm Chen, Xiumin và bản thân. Ảnh: INB100

Ngoài BLACKPINK, trong thời gian qua, nhiều ngôi sao trong giới giải trí Hàn Quốc cũng lựa chọn hướng đi tự mở công ty. Các thành viên EXO như D.O với Company Soosoo và Baekhyun với INB100). Rocky (ASTRO) – One Fine Day Entertainment; Donghae & Eunhyuk (Super Junior) – ODE Entertainment; Jaejoong (TVXQ) – iNKODE; Son Suk-goo – Production Company,… là một số những ví dụ tiêu biểu.

Tuy nhiên các công ty nhỏ vẫn khó khăn trong việc tạo ra những nhóm nhạc hit

Hyolyn (phải) từ ngày mở công ty quản lý riêng liên tiếp lôi kéo các cựu thành viên SISTAR tái hợp. Ảnh: KLAP Entertainment

Đa phần các công ty này được thành lập chỉ để quản lý cá nhân một nghệ sỹ, cho phép họ ưu tiên tầm nhìn nghệ thuật và sở thích sáng tạo cá nhân. Về mặt tài chính, công ty một thành viên cũng có thể có cơ cấu chia sẻ lợi nhuận thuận lợi hơn.

Nếu nghệ sỹ manh nha muốn kết nạp thêm thành viên khác thì độ khó bắt đầu tăng lên theo cấp số nhân, bởi họ chưa chắc đã có kinh nghiệm sản xuất như các lò đào tạo bài bản. Cứ nhìn P-Nation của PSY là thấy, từ khi thành lập năm 2018 đến nay vẫn trúc trắc, trục trặc tạo hit cho nghệ sỹ của mình.

HyunA rời P-Nation dù trước đó vô cùng thân thiết với PSY. Ảnh: P-Nation

Trong thập niên 2010 đến nay, những công ty nhỏ đã debut những nhóm nhạc bứt phá có thể đếm trên đầu ngón tay. Đó là BigHit Music nhờ BTS, RBW nhờ MAMAMOO, Starship nhờ SISTAR và IVE, hay Pledis Entertainment nhờ SEVENTEEN. Trong số đó, chỉ có một mình BigHit thành công vươn lên vị trí dẫn đầu làng giải trí, gia nhập Big 3 để trở thành Big 4 của Kpop.

Lisa thành lập công ty quản lý LLOUD. Ảnh: LLOUD

Lisa, khi tuyên bố thành lập công ty quản lý LLOUD, tham vọng hơn khi cho thấy muốn kết nạp những thành viên khác. Chưa rõ liệu cô sẽ thành công đến mức độ nào. Nhưng nếu Lisa hướng đến việc phát triển ở thị trường ngoại quốc, có lẽ mô hình hoạt động của cô sẽ khác biệt với các công ty quản lý Hàn Quốc nội địa.

Với xu hướng hiện tại, có thể thấy rằng những nhóm nhạc hit trẻ tuổi hầu như vẫn được đào tạo bởi bốn ông lớn của Kpop. Nhưng một khi thành danh, việc họ ở lại với “ông chủ cũ” vẫn là dấu chấm hỏi. Và liệu ai có thể tạo ra một công ty khác soán ngôi hay gia nhập Big 4 cũng là đề bài nan giải.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm