Tại sao màu đỏ là màu may mắn trong văn hóa Á Đông?

Nguồn gốc của câu hỏi tại sao màu đỏ là màu may mắn có thể được giải thích với một truyền thuyết từ xa xưa.

Trong những dịp hoan hỉ như lễ tết, đám cưới, chúng ta lại mặc màu đỏ.  Ảnh: Instagram @aodaithi

Mỗi khi Tết sang, chúng ta trang hoàng nhà với màu đỏ và tặng nhau bao lì xì màu đỏ. Khi làm đám hỏi, đám cưới, các chị em cũng phải sắm sửa cho mình một chiếc áo dài truyền thống màu đỏ. Khi ai đó phất lên, chúng ta nói rằng họ có số đỏ. Còn mỗi dịp khai trương, người ta lại chúc nhau “khai trương hồng phát” (hồng tức màu đỏ).

Có thể thấy, màu đỏ đã từ lâu đi đôi với sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng trong văn hóa Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung. Trong khi đó, đối với văn hóa Tây Âu, màu đỏ lại là màu của quyền lực, sự khát máu và của chiến tranh. Vì đâu có những ý nghĩa khác biệt như vậy? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu nguồn gốc ý nghĩa màu đỏ trong văn hóa Á Đông.

Tại sao màu đỏ là màu may mắn trong văn hóa Á Đông? Từ góc nhìn tâm linh…

Nguồn gốc của câu hỏi tại sao màu đỏ là màu may mắn có thể được giải thích với một truyền thuyết từ xa xưa bắt nguồn từ Trung Quốc.

Truyền thuyết kể lại, thời cổ đại từng hiện hữu một loại quái thú mình sư tử đầu rồng, gọi là niên thú. Mỗi khi năm mới đến, nó xuống núi bắt gia súc và tấn công dân làng. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra con quái thú này sợ lửa và tiếng pháo nổ. Thế là dân làng treo đèn lồng đỏ, trang trí nhà với màu đỏ của lửa cháy và đốt pháo mỗi khi năm mới đến. Từ đó, niên thú không còn dám đến hoành hành nữa. Để kỷ niệm chiến thắng, người dân kể lại câu chuyện đánh đuổi niên thú qua điệu múa lân/múa sư tử.

Dựa trên truyền thuyết đánh đuổi niên thú, màu đỏ được xem là có khả năng trừ tà. Ý niệm này từ Trung Quốc lan truyền đến các quốc gia lân cận gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Người Nhật tô màu đỏ trên các cánh cổng điện thờ Thần Đạo của họ (gọi là torii) như một cách gắn kết tâm linh với thần thánh và chống ác niệm. Người Hàn Quốc dùng mực đỏ viết tên người chết trên sổ sách cũng như trên bùa tang để xua đuổi tà ma. Ở Việt Nam, xưa kia con gái quan được phép mặc áo yếm đỏ, gọi là yếm đại hồng, như một cách bảo vệ bản thân khỏi yêu ma quỷ quái. Mà một khi có khả năng đuổi tà thì đồng nghĩa với việc mang lại may mắn và hạnh phúc.

Cổng torii và chùa chiền Thần đạo Nhật được vẽ với màu đỏ trừ tà. Ảnh GIPHY

…và dưới góc nhìn khoa học

Dưới khía cạnh của khoa học, các nhà sử gia cho rằng truyền thuyết trên gắn liền với hoạt động núi lửa ở khu vực Đông Á trong thời kỳ cổ đại. Núi lửa phun trào từng được xem là một biểu tượng của thần linh hoặc quái thú xuất hiện. Quanh khu vực dung nham phun trào, người ta phát hiện ra chu sa (tiếng Anh: cinnabar), thứ khoáng thạch màu đỏ chứa thủy ngân.

Chu sa có đặc tính không đổi màu, khả năng chống rỉ sét nên trở thành thuốc màu vẽ lăng tẩm (từ năm 4000 trước Công Nguyên ở Trung Quốc đã có tập tục này), sơn thần điện (màu akani vẽ cột torii ở Nhật được làm từ chu sa), và sơn mài. Tất cả những vật phẩm sử dụng chu sa đều quý giá, từ đó dần dần gắn kết với ý nghĩa thiêng liêng trong nền văn hóa địa phương.

Màu đỏ sơn mài Á Đông (vermillion) từ nhiều ngàn năm đã nổi tiếng thế giới. Ảnh: Instagram @olivercoperarchitect

Tại Nhật Bản, sản phẩm sơn mài đầu tiên được phát hiện là vào năm 12600 trước Công Nguyên. Màu đỏ của sản phẩm ấy pha lẫn giữa chu sa chứa thủy ngân và sắt ô-xít. Song song, ở Chiết Giang, Trung Quốc, vào khoảng năm 500 trước Công Nguyên đã xuất hiện công nghệ làm sơn mài với chu sa.

Chu sa, khi kết hợp với nhựa cây sơn (tên khoa học: Toxicodendron vernicifluum) sẽ tạo nên một lớp nhựa cứng màu đỏ tươi, khó trầy và có độ bóng loáng tuyệt đẹp. Từ đó, màu đỏ của chu sa đi vào lịch sử văn hóa Á Đông như sắc màu không tàn phai, được Đạo giáo gắn liền với ý nghĩa vĩnh hằng.

Tại sao màu đỏ là màu đại diện cho may mắn, thịnh vượng? Có lẽ vì chu sa, thứ bột màu truyền thống. Hình trên là Chương Tử Di trong phim Thập diện mai phục (2004) có vẽ nốt chu sa trên trán. Ảnh: Sony Pictures Classic

>>> THAM KHẢO: LỊCH SỬ THỜI TRANG CUNG ĐÌNH VIỆT: VÌ SAO CHỈ VUA CHÚA MỚI ĐƯỢC MẶC TRANG PHỤC SẮC VÀNG?

Trích dẫn Lifestyle Asia, Bảo tàng Met
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm